NHẬN THỨC VỀ LỆCH LẠC XàHỘI

            Tình hình tội phạm hình sự và các biểu hiện lệch lạc khác như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, mại dâm, bạo lực…gia tăng đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho xã hội, đồng thời gây nên sự lo ngại đối với các cơ quan có trách nhiệm cũng như nhiều tầng lớp dân cư. Từ đó đã đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu những hiện tượng này  một cách thấu đáo và nghiêm túc. Dưới đây xin nêu lên một số nhận thức về “lệch lạc xã hội”.

        Hiểu một cách đơn giản, lệch lạc xã hội là những gì không phù hợp với các chuẩn mực và giá trị của xã hội, gây nên những rối loạn chức năng cho xã hội. Khi những biểu hiện lệch lạc đạt đến quy mô nhất định (phạm vi, mức độ tác hại), ảnh hưởng đáng kể tới đời sống bình thường, khi xã hội bắt đầu nhận thức rằng cần và có thể giảm thiểu chúng thì lúc đó hiện tượng lệch lạc trở thành vấn đề xã hội.

Có một số tác giả khi nghiên cứu về xã hội đã so sánh xã hội với cơ thể sống. Theo đó, cơ thể của chúng ta chỉ có thể phát triển một cách lành mạnh khi tất cả các bộ phận của cơ thể hoàn thành tốt chức năng của mình. Chỉ cần một một bộ phận không hoàn thành tốt chức năng sẽ ảnh hưởng tới sự vận hành của cả cơ thể. Tương tự như vậy, xã hội muốn phát triển một cách ổn định và bền vững thì các tổ chức xã hội phải thực hiện tốt chức năng của mình và chỉ cần xuất hiện một vấn đề nào đó của bộ phận thì sẽ trở thành vấn đề chung cho cả xã hội. Tuy vậy, trên thực tế, chúng ta không thể chắc chắn được vào mọi lúc tất cả các bộ phận trên cơ thể của chúng ta đều khoẻ, đều thực hiện tôt chức năng. Sẽ có lúc cơ thể chúng ta bị bệnh tật. Xã hội cũng vậy, mặc dù mọi xã hội đều tồn tại hệ thống giá trị chuẩn mực để các cá nhân có căn cứ, cơ sở thực hiện hành động xã hội sao cho được cộng đồng chấp nhận. Nói cách khác, mỗi xã hội đều uốn nắn, rèn luyện và điều khiển các thành viên của mình bằng cách làm cho mỗi người phải tiếp thu và nhập tâm những giá trị nhất định. Từ đó, mọi người chấp nhận một nền đạo lý chung, tôn trọng những chuẩn mực xã hội chung. Mặc dù vậy, trong bất kỳ xã hội nào cũng có những người không tôn trọng hoặc làm trái các giá trị chuẩn mực. Đó là các hành vì lệch lạc, bao hàm cả hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, hầu như không có tổ chức nào có thể ép buộc các thành viên phải phục tùng tuyệt đối tất cả quy tắc và chuẩn mực của mình. Trên thực tế, bất kỳ một hệ thống xã hội nào cũng đều có những “vùng tối” – những phạm vi trong đó người ta có thể tự cho phép mình có những hành vi vi phạm quy tắc mà không sợ rằng sẽ bị trừng phạt bằng cách này hay cách khác. Chấp nhận sự tồn tại của “Vùng tối” không có nghĩa là vì thế mà làm ảnh hưởng đến sự vận hành một cách bình thường của một nhóm hoặc một thiết chế, thậm chí còn tạo ra cơ chế thích ứng, uyển chuyển và linh hoạt hơn. Ví dụ nếu cha mẹ mong muốn quản lý con cái một cách tuyệt đối, muốn con cái vâng lời, tuân thủ chuẩn mực một cách tuyệt đối thì chẳng những không làm được mà còn làm cho không khí gia đình căng thẳng. Hay như trong một lớp học, mặc dù hành vi làm mất trật tự là hành vi lệch lạc nhưng giáo viên không thể yêu cầu trong lớp không có bất kỳ một tiếng ồn thì mới tiến hành giảng dạy.

Chúng ta thấy, bất kỳ xã hội nào cũng có những biểu hiện lệch lạc. Ở nước ta cũng vậy, có những biểu hiện lệch lạc xuất hiện từ rất lâu nhưng cũng có những biểu hiện lệch lạc trước đây không có, bây giờ mới có hoặc mới phổ biến. Có những hiện tượng gây bức xúc trong dư luận, yêu cầu cần được kiểm soát ngay như hiện tượng sống thử, hiện tượng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, con cái ngược đãi cha mẹ, trò đánh thầy, chạy chức, chạy tội, chạy trường, chạy điểm…Có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa được nhìn nhận và đối xử như những hành vi nguy hiểm cho xã hội đúng mức như buôn bán băng đĩa sao chép lậu, buôn bán sách mê tín dị đoan tại những điểm chùa chiền…Lại có những hiện tượng mà chúng ta đang gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm các giải pháp kiểm soát hiện tượng như hiện tượng mại dâm, thiết lập trật tự đô thị, thiết lập trật tự an toàn giao thông…Chúng ta phải nhìn nhận những biểu hiện lệch lạc đó như là những hiện tượng bình thường theo nghĩa xã hội nào cũng phải đối mặt, tương tự như cơ thể nào cũng sẽ có bệnh tật. Vấn đề là phòng bệnh và khi đã phát bệnh thì phải chữa trị kịp thời.

Vậy, nhiệm vụ của các nhà quản lý xã hội là phải đưa ra được các cơ chế ngăn ngừa hành vi lệch lạc và khi hiện tượng lệch lạc xuất hiện thì phải thực hiện các giải pháp kiểm soát hữu hiệu, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ hiện tượng đó mang lại cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Để làm được điều đó, cần thúc đẩy hơn nữa hướng tác động từ nhà nghiên cứu xã hội đến nhà quản lý xã hội bằng những kiến nghị khoa học, từ đó góp phần thay đổi, hoàn thiện chính sách xã hội và các văn bản quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bình luận về bài viết này