ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ VĂN HÓA CÔNG SỞ

(Bài đã đăng báo ĐL, ở đây)
Ngày 02/8/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 129/2007/QĐ -TTg ban hành Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế này quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm; bài trí công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ vụ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp.Căn cứ vào Quy chế do Thủ tướng ban hành, các cơ quan từ trung ương tới địa phương đều đã ban hành Quy chế văn hóa áp dụng tại cơ quan, đơn vị mình.

Mục đích của việc thực hiện văn hóa công sở là bảo đảm tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững. Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước được ban hành đã đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhận được sự đồng tình của đa số quần chúng nhân dân.

Tuy vậy, quy chế đã được thực hiện hơn hai năm nhưng quan sát tại nhiều cơ quan nhà nước, dễ dàng nhận ra còn nhiều hiện tượng vi phạm quy chế; Quy chế được ban hành nhưng chưa được tổ chức triển khai thực hiện một cách triệt để. Sau đây là một đôi điều suy nghĩ từ những quy định trong các Quy chế văn hóa công sở đã được ban hành trong thời gian vừa qua:

Về văn hoá ứng xử trong giao tiếp của cán bộ công chức nơi công sở

Không phải ngẫu nhiên mà văn hoá ứng xử trong giao tiếp là một trong những vấn đề cơ bản được quy định trong Quy chế văn hoá công sở và cũng là một trong những nội dung được đề cập đến của chương trình cải cách hành chính. Theo Quy chế thì cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ phải thực hiện các quy định về những việc phải làm và những việc không được làm theo quy định của pháp luật. Trong giao tiếp và ứng xử, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng. Ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt. Trong giao tiếp và ứng xử với nhân dân, phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc; không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác. Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột…

Trên thực tế, tại nhiều cơ quan hành chính nhà nước, vẫn còn tồn tại các hiện tượng cán bộ công chức sử dụng ngôn ngữ giao tiếp với nhân dân không rõ ràng, đặc biệt trong việc giải thích, hướng dẫn cụ thể về các quy định liên quan tới công việc. Quy chế qui định rõ cán bộ công chức phải đeo bảng tên ghi họ tên, chức vụ, cơ quan nhưng nhiều cán bộ công chức vẫn chưa có thói quen đeo bảng tên. Bên cạnh đó, một số cán bộ công chức khi nghe điện thoại không xưng tên, đơn vị công tác mà hỏi giật giọng “Ai đấy? Có việc gì? Nói mau?”…

Cần nhận thức rằng, văn hoá ứng xử trong giao tiếp là một trong những yếu tố phản ánh trình độ văn hoá của một cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trình độ văn hoá lại là một trong những thước đo đặc biệt để đánh giá giá trị của một cá nhân hay cộng đồng. Mặt khác, văn hoá ứng xử cũng là biểu hiện dễ nhận biết nhất, dễ gây ấn tượng tốt hoặc không tốt về cá nhân, cơ quan ngay từ những tiếp xúc đầu tiên, do đó ảnh hưởng khá lớn đến kết quả công việc của cá nhân hay tập thể đó.

 Trong môi trường công sở, quá trình giao tiếp giữa cán bộ, công chức với nhân dân là một trong những tương tác xã hội quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới uy tín của chính quyền trước nhân dân. Sự hiểu biết tối thiểu về nhau có thể được xem như là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp. Người dân cần và có quyền được biết họ đang được giải quyết công việc với ai, giữ chức vụ gì, ở cơ quan nào? Khi giải quyết công việc của nhân dân, nếu cán bộ công chức không giải thích rõ ràng, mạch lạc về các quy định, thủ tục thì với tâm lý muốn giải quyết nhanh công việc, người dân có thể hiểu nhầm cán bộ công chức là gây phiền hà khi giải quyết công việc.

Giao tiếp là một trong những dạng tương tác xã hội. Trên thực tế, không phải dễ dàng để có thể đạt được mức độ thích ứng cao (có sự hợp tác, đồng tình, ăn ý) trong tương tác xã hội nhưng không phải là không thể làm được. Điều quan trọng là cán bộ, công chức phải biết được mình đang giao tiếp với ai để tuỳ từng đối tượng mà lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp phù hợp.

Về các hành vi bị cấm thực hiện trong công sở

Các hành vi bị cấm thực hiện trong công sở là hút thuốc lá trong phòng làm việc; sử dụng đồ uống có cồn tại công sở, trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao; quảng cáo thương mại tại công sở (điều 4- Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ) .

Tại một số cơ quan, mặc dù đã có nội quy cấm hút thuốc lá, có bảng cấm hút thuốc lá gắn trên tường, nhưng nhiều người, thậm chí ngay cả người lãnh đạo vẫn không chấp hành triệt để hay chỉ chấp hành chiếu lệ. Trong phòng làm việc đang mở máy lạnh, đông người, kể cả có phụ nữ đang mang thai, họ vẫn nhả khói thản nhiên! Ở đây không chỉ là chuyện hút thuốc lá mà còn liên quan đến ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường công tác và phòng chống cháy nổ. Có những người quăng, vứt tàn thuốc một cách vô tư ra hành lang, cầu thang; vứt nơi nào tiện tay họ, mặc dù gần đấy đã để sẵn thùng rác.

Khi các cá nhân tham gia vào các hoạt động xã hội, phần nhiều hành động của cá nhân là để phản ứng với xung quanh, tức là chúng ta biết trước xã hội, những người xung quanh mong muốn chúng ta phải thực hiện hành động như thế nào và chúng ta cố gắng thực hiện. Có thể lý giải hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hành vi vi phạm quy chế là do sự phản ứng từ phía xã hội với những hiện tượng vi phạm còn quá nhẹ nhàng, chưa đủ để cá nhân điều chỉnh hành vi. Để Quy chế văn hóa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh rất cần có những giải pháp tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội với việc thực hiện quy chế đồng thời thúc đẩy cơ chế gây áp lực và áp dụng những chế tài nghiêm khắc với những hành vi vi phạm.

 Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống; chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành; góp phần xây dựng cơ quan văn hoá và thực hiện tốt Chương trình cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu đó cùng với việc cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy chế đến từng cán bộ, công chức, viên chức thì cần phải đề cao ý thức gương mẫu chấp hành của những cán bộ quản lý ở tất cả các cấp, không nên và không thể có những “trường hợp ngoại lệ” đứng bên ngoài hoặc bên trên các quy định đã được chính các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Một khi vẫn còn những hiện tượng như vậy tồn tại thì việc “nhờn” pháp luật, các quy định ban hành ra nhưng chỉ là hình thức, tính hiệu lực không cao là điều khó tránh khỏi.

Bình luận về bài viết này